Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Người thầy và Thư gia Vạn Ninh Đường cổ


Nhà giáo Lê Mai Bửu giới thiệu cuốn Kim Vân Kiều quảng tập truyện, đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Thư gia Vạn Ninh Đường là tủ sách cổ nhất tỉnh Thanh Hóa, với gần 600 cuốn sách sách Nôm, Hán văn, ...thuộc nhiều loại: Văn, sử, khoa học ( nho y lý số ...). Cuốn sách có niên đại cổ nhất in thế kỷ XVII - Lã Đường Di Cảo và cuốn sách có giá trị là cuốn Kim Vân Kiều quảng tập truyện - in đời vua Thành Thái.

Đây được xem là "tài sản" văn hoá, lịch sử của xứ Thanh. Tuy nhiên, do thời gian nên Thư gia Vạn Ninh Đường đang bị xuống cấp nghiêm trọng và chủ nhân của tủ sách là nhà giáo Lê Mai Bửu, thôn Đồng Lạc, xã Hoằng Trạch - Hoằng Hoá - Thanh Hoá đang mong mỏi có một mạnh thường quân ra tay cứu giúp tủ sách của gia đình.

Được chiêm ngưỡng tận mắt Thư gia Vạn Ninh Đường của nhà giáo Lê Mai Bửu, chúng tôi thật sự choáng ngợp bởi "kho báu" tới nay hầu như vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Gần 600 cuốn sách Nôm, Hán văn, ...thuộc nhiều chủng loại: Văn, sử, khoa học (nho y lý số ...). Trong Thư gia Vạn Ninh Đường sách Trung Quốc in chiếm khoảng 60%, còn lại là sách Việt Nam được in khắc và viết bằng tay. Cuốn sách có niên đại cổ nhất vào thế kỷ XVII - Lã Đường Di Cảo và cuốn sách có giá trị là cuốn Kim Vân Kiều quảng tập truyện, in năm Giáp Thìn đời vua Thành Thái.

Cuốn sách cổ Kim Vân Kiều quảng tập truyện là một trong mười văn bản Truyện Kiều đã được công bố và có giá trị nhất từ trước đến nay. Hiện cuốn sách đã được các nhà nghiên cứu về Truyện Kiều đã chụp ảnh và dịch ra tiếng Việt.

Trong Thư gia Vạn Ninh Đường còn có hàng trăm loại sách quý về lịch sử phong tục địa phương như: Địa chí Lôi Dương, cuốn sách nói về quê hương của Nhà vua Lê Lợi xưa. Hay cuốn Hoằng Hoá địa đồ nói về lịch sử địa lí, văn hoá...của quê hương Hoằng Hoá. Rồi các cuốn: Tam quốc diễn ca (chữ Nôm) in năm Nhâm Tuất triều Khải Định, một số văn thơ của Phạm Lập Trai, Phạm Nghị Trai...Ngoài ra 1/2 tủ sách quý đó là sách Y học Cổ truyền Phương Đông.

Sau khi nhận được tin, nhà giáo Lê Mai Bửu ở huyện Hoằng Hoá đang sở hữu một tủ sách cổ, nhiều nhà chuyên môn ở các viện nghiên cứu của Trung ương và Thanh Hoá đã tới xem xét khảo cứu, đều có đánh giá chung: Đây là tủ sách Hán Nôm phong phú về chủng loại, có giá trị nghiên cứu tìm hiểu văn hoá lịch sử của dân tộc Việt Nam nói chung và lịch sử phong tục địa phương Thanh Hoá nói riêng.

Nhà giáo Lê Mai Bửu kể lại: "Thân phụ của ông tên là Lê Mai Quảng, một môn sinh của Nho học với chí nguyện lớn lo dùi mài kinh sử, để mai này đỗ đạt thành danh phò vua giúp nước. Bao nhiêu gia sản cơ nghiệp thân phụ ông đã dồn vào mua sách, tất cả sách dùng cho văn chương cử nghiệp ông đều mua và bây giờ lần giở lại tất cả các cuốn sách đều thấy ông đã từng đọc với dấu khuyên son, hay dấu gạch bỏ”. Nhà giáo Bửu nghẹn ngào nói tiếp: "Trước khi mất, cha tôi có gọi tôi lại và dặn : Con ơi nhà tàng thư là nhà có đức, nhà tàng thư là nhà có công, con quyết giữ lấy. Cha chẳng có gì để lại cho con, chỉ có các hòm sách, con gắng giữ gìn, nói xong rồi cha tôi ra đi". Lời dặn ấy, Nhà giáo Lê Mai Bửu đã khắc sâu trong mình, bao kỷ vật của cha được ông giữ gìn như mạng sống của chính mình.

Để bảo vệ sách không bị ướt, ẩm mốc... ông Bửu đã lấy lá chuối khô rửa sạch, phơi khô, sau đó cẩn thận bọc một cuốn sách là một tàu lá chuối mới bỏ vào giương gỗ, treo lên nóc nhà. Ngày chiến tranh, ông Bửu quyết không để sách của cha bị bom thù nghiền nát, ông đã động viên mọi thành viên trong gia đình đào hầm, rồi vãi vôi bột xuống đáy hầm để chống ẩm mốc cho sách.

Những năm chiến tranh biên giới phía Bắc, nhiều nhà trong huyện Hoằng Hoá có sách chữ Hán đều quên lãng, nhiều người khuyên ông nên bỏ đi, nhưng ông quyết tâm giữ sách đến cùng.

Đất nước yên bình, thỉnh thoảng trời nắng to ông thường mang sách ra phơi, nhưng mãi sau này ông mới nhận ra rằng việc đem sách ra phơi nắng đã làm cho các cuốn sách trong Thư gia Vạn Ninh Đường của ông nhanh mục và chóng hỏng hơn. Sau này ông mới biết, giấy xáp không được phơi nắng nhiều, nếu phơi nắng giấy sẽ ròn và nhanh mục hơn. Cũng từ đó, khi mang phơi bao giờ ông cũng chọn ngày trời râm, và khi phơi ông đều che đậy rất cẩn thận.

Hiện tại, Thư gia Vạn Ninh Đường vẫn được ông Bửu cất giữ cẩn thận, nhưng việc bảo quản bằng phương pháp thủ công và không có sự can thiệp của khoa học kỹ thuật cho nên hàng trăm cuốn sách đang bị xuống cấp nghiêm trọng!.

Thư viện Khoa học tổng hợp Thanh Hoá đã sớm nhận ra giá trị nhiều mặt của Thư gia Vạn Ninh Đường. Một phần rất nhỏ của tủ sách đã được trưng bày giới thiệu tại Triễn lãm thư tịch cổ Thanh Hoá. Thư viện Thanh Hoá đã xem Thư gia Vạn Ninh Đường là thư tịch cổ lớn nhất ở Thanh Hoá từ trước đến nay, cần được bảo vệ và là một địa chỉ văn hoá để giới thiệu với tất cả những ai quan tâm đến lịch sử, văn hoá dân tộc.

Vừa qua, Thư gia Vạn Ninh Đường được các nhà nghiên cứu, rồi các nhà khoa học ở các viện, và nhiều người đã tìm đến, ngỏ ý mua với giá cao nhưng ông đều từ chối.

Để giữ Thư tịch cổ, Thầy giáo Bửu đã quyên góp gia sản trong gia đình cho người con Lê Mai Bính đi học chữ Hán Nôm, để sau này về dịch và có điều kiện nghiên cứu thêm. Không chỉ cử con trai đi học chữ Hán Nôm, thầy Bửu hàng ngày còn miệt mài dạy cho cháu trai Lê Mai Việt Anh vốn chữ Hán Nôm ít ỏi của mình với ước nguyện con cháu sau này sẽ “khám phá” được hết lợi ích của Thư tịch cổ mà tổ tiên đã để lại.

Ra về, thầy giáo Bửu có tâm sự với tôi: “Gần 300 cuốn sách Y học cổ truyền Phương Đông để chất đống trong tủ mà không được nghiên cứu thì tiếc quá! Biết đâu, trong đó có nhiều bài thuốc chữa được các căn bệnh mà y học hiện đại bó tay". Thư gia Vạn Ninh Đường thực sự rất có giá trị về nhiều mặt và những giá trị đó để người đời biết tới, hiểu được thì nó rất cần một mạnh thường quân ra tay giúp đỡ!.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét